NGÀY 01: HÀ NỘI – THANH SƠN – NGHĨA LỘ – TÚ LỆ – BẢN LƯỚT – MÙ CANG CHẢI
Nghĩa Lộ
Nghĩa Lộ là một thị xã nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, được ví như một lẵng hoa đẹp, lọt thỏm giữa một vùng lòng chảo màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, con người thuần hậu – đó là cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai của toàn vùng Tây Bắc.
Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ Yên Bái là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 được mệnh danh là một trong “tứ đại đèo” với độ dài trên 30 km. Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Bản Lướt
Bản Lướt nằm ngay cạnh quốc lộ 32, cách trung tâm huyện Than Uyên khoảng 5 km.Thời tiết ở bản Lướt – Ngọc Chiến quanh năm mát mẻ dễ chịu rất thích hợp cho du lịch cộng đồng nghỉ ngơi, trải nghiệm. Cho dù vào mùa hè khi thời tiết ở những nơi khác nóng bức thì đến với bản Lướt Ngọc – Chiến, các bạn sẽ cảm thấy sảng khoái với thời tiết mát mẻ và trong lành.
NGÀY 02: MÙ CANG CHẢI – SAPA – HÀM RỒNG
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái phía bắc giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ – là một trong tứ Đại Đèo của Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi đèo Mây bởi trên đỉnh đèo quanh năm mây mờ bao phủ. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km. Độ cao, sự hiểm trở, uốn lượn quanh co qua những vách núi cao ngút trời và vực sâu thăm thẳm khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Núi Hàm Rồng
Là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa "hàm của rồng". Thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, ở độ cao gần 1.800m, núi Hàm Rồng gồm những dãy đá nhấp nhô với nhiều dáng vẻ kỳ thú. Nhìn từ xa, núi Hàm Rồng giống như một con rồng khổng lồ đang uốn mình, nằm phục hướng về phía tây dãy Hoàng Liên Sơn. Quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau, rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…
Nhà thờ Đá Sapa
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương
NGÀY 03: CÁT CÁT – CHINH PHỤC FANXIPAN
Quý khách có thể lựa chọn 1 trong 2 địa điểm sau:
Bản Cát Cát
Cách Sapa khoảng 3km, bản Cát Cát (Sapa, Lào Cai) là làng dân tộc người Mông, nằm bình yên bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa) trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ. Con đường đến Cát Cát khá đẹp, bạn sẽ đi qua những đoạn đường cua tay áo uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà lấp ló. Bạn sẽ được tìm hiểu phong tục tập quán và văn hoá của người dân tộc thiểu số nơi đây, xem kỹ thuật dệt vải thổ cẩm của người dân tôc, thăm quan Công trình thuỷ điện cổ do thực dân Pháp xây dựng.
Fansipan Legend
Là điểm đến mới, mang trong mình khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc & sở hữu nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp, kết hợp hệ thống cáp treo với 2 quần thể ga đi (Ga Sapa) và ga đến (Ga Fansipan). Đến đây, quý khách sẽ được khám phá Vườn tre, Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm… xuất hiện trên mây.