Ngày 1: Quy Nhơn
Thuộc tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn khá yên bình với sự kết hợp hài hòa giữa núi và biển. Cảnh sắc ở thành phố này chưa bị du lịch khai thác nhiều và cuộc sống ở đây có phần bình dị, yên ả.
Ngày 2: Bình Định – bảo tàng Quang Trung, võ thuật Tây Sơn, âm nhạc Cồng Chiêng Tây Nguyên, khu du lịch sinh thái Hầm Hô, khu du lịch tâm linh Đàn tế Trời Đất
Bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay.
Võ thuật Tây Sơn
Tây Sơn – Bình Định là một địa danh võ thuật. Nơi đây cũng là nơi phát tích của nhà Tây Sơn mà lịch sử đã ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung với một đội quân được luyện tập nhuần nhuyễn về võ thuật
Âm nhạc Cồng Chiêng Tây Nguyên
Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới.
Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Khu du lịch sinh thái Hầm Hô tọa lạc tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc, cách Bảo Tàng Quang Trung 5km. Là một điểm tham quan lý tưởng không thể bỏ qua khi đến với quê hương Bình Định, miền đất địa linh nhân kiệt
Khu du lịch tâm linh đàn tế Trời Đất
Đàn tế trời đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, tỉnh Bình Định sẽ là điểm đến hấp dẫn với những khách hành hương. Đàn được bố trí theo trục trần đạo hướng Nam – Bắc, trên khu đất rộng 46 ha, nhân kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung (1792 – 2012)
Ngày 3: Kỳ Co, bãi Dứa, Eo Gió, khu dã ngoại Trung Lương
Kỳ Co
Được ví là Maldives của Việt Nam với bờ biển dài, bãi cát trắng mịn và nước biển trong vắt. Vẻ đẹp hoang sơ của Kỳ Co là điều thu hút khách du lịch lớn nhất thêm vào đó giá cả du lịch ở đây rất phải chăng.
Bãi San Hô (Bãi Dứa)
Bãi Dứa là một trong những nơi có rặng san hô đẹp nhất ở Bình Định.Ở đây du khách có thể tận mắt ngắm nhìn và chạm tay vào những rặng san hô đẹp nhất.
Eo Gió
Tên gọi Eo gió bắt nguồn từ hình dáng địa lý của khu vực này, đứng từ trên mỏm đá xung quanh nhìn xuống bạn sẽ thấy một eo biển nhỏ được che chắn bởi hai dãy núi như một vòng tay ôm gọn bãi biển tuyệt đẹp ở đây.
Khu dã ngoại Trung Lương
Được mệnh danh là đảo Jeju của Việt Nam, nằm ở xã Cát Tiền, huyện Phủ Cát, tỉnh Bình Định cách thành phố Quy Nhơn 30km. Đây là nơi cắm trại lý tưởng để tận hưởng không khí thanh bình và gần gũi với thiên nhiên.
Ngày 4: Phú Yên – gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, khu di tích Vũng Rô, bãi Môn, hải đăng Mũi Điện
Phú Yên
Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Du lịch Phú Yên còn nhiều hoang sơ, vì thế nơi đây vẫn còn nhiều điều khơi gợi tò mò của mọi người
Gành Đá Đĩa
Ghềnh Đá Đĩa hay còn gọi là Gành Đá Dĩa là một địa danh nổi tiếng bậc nhất của du lịch Phú Yên nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km. Ghềnh Đá Đĩa nổi bật với những cột đá được xếp chồng lên nhau mà không hề có bàn tay con người đụng vào.
Nhà thờ Mằng Lăng
Một trong những nhà thờ cổ xưa nhất Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lăng nằm trong địa phận xã An Trạch, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) hơn 30km về phía bắc. Đây là nơi lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta
Khu di tích Vũng Rô
Vũng Rô nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km. Đây là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng của Phú Yên cũng như của khu vực Nam Trung Bộ.
Bãi Môn
Đây là nơi hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối và núi đồi. Nơi đây còn có ngọn hải đăng tỏa sáng hằng đêm giúp tàu thuyền qua lại trên biển.
Hải đăng Mũi Điện
Còn gọi là hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng năm 1890, thuộc hàng cổ nhất Đông Nam Á. Bởi trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng để hải đăng chiếu sáng nên tên gọi khác của hải đăng nữa là Mũi Điện