Khu du lịch Cát Cát Sapa là một trong những địa điểm đáng đi nhất khi đến du lịch Sapa. Tại khu du lịch Cát Cát Sapa, du khách có cơ hội trải nghiệm những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người Mông.
Mục lục
1. Vị trí
Nằm trong khu du lịch Cát Cát là bản Cát Cát – một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sapa 2km. Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Đường đến bản Cát Cát không khó tìm, từ trung tâm thị trấn Sapa, men theo đường hướng về đỉnh Fansipan khoảng gần 3 km. Thông thường giá vé vào tham quan khu du lịch Cát Cát là 40.000 đồng.
Người Mông sinh sống tại đây từ giữa thế kỷ 19. Đến thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện ra nơi này và xây dựng nhà máy thủy điện tại đây. Ngoài ra, họ còn chọn nơi này làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức.
2. Kiến trúc nhà cửa
Tại khu du lịch Cát Cát, chủ yếu là các gia đình dân tộc Mông sinh sống, họ xây nhà dựa vào sườn núi, sống quây quần bên nhau và trồng trọt trên những sườn đồi. Nhiều người sẽ cảm thấy khá thích thú với kiến trúc nhà cửa của người dân tại đây.
Hầu hết những căn nhà tại khu du lịch Cát Cát đều là nhà ba gian được lợp ván gỗ pơ mu và thường được gọi là “Nhà Trình Tường”. Bộ khung của nhà là kèo ba cột ngang. Cột nhà được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Nhà được lợp bằng gỗ xẻ, 3 cửa ra vào gồm cửa chính giữa và 2 cửa phụ hai đầu nhà. Cửa chính được đóng kín, chỉ mở khi có tiệc lớn như đám cưới, ma chay hay Lễ Tết. Nhà người Mông thường không có gian thờ, sàn chỉ chứa lương thực, ngủ nghỉ, bếp và nơi tiếp khách.
3. Phong tục tập quán của người H’mông tại bản Cát Cát
Người dân ở đây cũng bảo tồn được rất nhiều phong tục tập quán đặc biệt như tục Kéo vợ. Đây là phong tục truyền thống bao đời của người Mông. Khi người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ làm cỗ mời bạn bè đến bàn bạc để kéo cô gái đó về làm vợ trong 3 ngày. Nếu cô gái đó đồng ý làm vợ anh ta thì người con trai sẽ tổ chức lễ cưới chính thức. Còn nếu không, họ sẽ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và vui vẻ đi về.
Vào dịp đầu năm, du khách đến khu du lịch Cát Cát sẽ được tham gia vào lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.
4. Ghé thăm làng nghề thủ công tại khu du lịch Cát Cát
Ngoài nghề trồng lúa, dân bản còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng lanh, bông, dệt vải, chế tác đồ trang sức. Người Mông thường dệt thổ cẩm với bốn màu chủ đạo: xanh, đỏ, trắng và vàng. Các họa tiết thường mô phỏng cỏ, cây, hoa, lá, muông thú,… Gắn liền với công đoạn dệt vải là là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
Nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng cũng là nét truyền thống lâu đời được lưu giữ ở khu du lịch Cát Cát. Sau khi trải qua một quy trình chế tác công phu, tỉ mỉ sẽ cho ra những thành phẩm là đồ trang sức như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn,… với những hoa văn được chạm khắc đầy khéo léo.
5. Các hoạt động không thể bỏ qua khi đến khu du lịch Cát Cát
- Trekking: đây là một hoạt động rất phổ biến của du khách khi tới Sapa. Trekking giúp bạn khám phá được hết mọi con đường ở khu du lịch Cát Cát. Thêm vào đó, du khách cũng có thể tận hưởng và ngắm nhìn bản làng này một cách chân thực nhất. Lưu ý là bạn phải đảm bảo thể lực cũng như chuẩn bị đồ dùng và trang phục thật kỹ càng trước khi bắt đầu chuyến trekking.
- Dừng chân và ghé thăm một ngôi nhà: để có cơ hội tận mắt quan sát nét kiến trúc độc đáo bên trong và bên ngoài nhà của người H’mông. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm đời sống hằng ngày của người dân tại khu du lịch Cát Cát. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị và khó quên.
- Mua sắm: ở sâu trong bản có rất nhiều sạp bày bán những sản phẩm thủ công do người trong sản làm từ những tấm thổ cẩm đầy màu sắc đến những đồ trang sức bạc tinh xảo. Ngoài ra du khách còn có thể quan sát quá trình làm ra những sản phẩm này.
- Thử rượu táo mèo: đây là đặc sản của người dân Tây Bắc. Rượu táo mèo được người Mông tự tay ủ và bán cho du khách với giá 10.000 đồng/ cốc. Du khách có thể thưởng thức rượu với đồ nướng được làm từ những nguyên liệu ngay tại khu du lịch Cát Cát.
- Nhảy sạp cùng dân bản. Tại khu du lịch Cát Cát, du khách có cơ hội tham gia nhảy sạp cùng người dân bản. Bạn chưa từng nhảy sạp và không biết nhảy cũng đừng lo, vì bạn sẽ được người dân hướng dẫn cách nhảy và sẽ bắt đầu với nhịp chậm nhất.
Trên đây là vài nét cơ bản về khu du lịch Cát Cát. Tuy nhiên, mỗi du khách khi đến đây ngoài những điều trên sẽ tự mình khám phá ra những nét thú vị khác của bản làng này. Hãy “làm” một chuyến du lịch bản Cát Cát ngay nhé!
Xem ngay :